Mô hình chăn nuôi gà đang phổ biến ở nhiều địa phương, đem lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên vẫn không ít bà con chăn nuôi gà kém hiệu quả, gà chết nhiều, chậm lớn. Nếu đang gặp phải tình trạng này hãy cùng Trại gà chọi tham khảo bài viết sau để biết cách chăn nuôi gà hiệu quả nhất nhé.
Chuẩn bị điều kiện nuôi nhốt gà đạt chuẩn
Khâu chuẩn bị điều kiện nuôi nhốt gà phải hoàn thành trước khi đem gà giống về nuôi. Tốt nhất thì nên chọn giống gà phù hợp với mô hình nuôi. Cụ thể cách chăn nuôi gà hiệu quả ở khâu chuẩn bị điều kiện nuôi nhốt như sau:
Chuẩn bị chuồng trại đúng kỹ thuật
Tốt nhất nên chọn cất chuồng ở khu đất cao ráo, theo hướng Đông hoặc Đông Nam có ánh nắng chiếu trực tiếp vào buổi sáng nhưng râm mát vào buổi chiều. Bà con chú ý chuẩn bị chuồng trại phù hợp với số lượng nuôi và khử trùng, vệ sinh đầy đủ.
- Diện tích chuồng với gà nuôi nhốt hoàn toàn nên đáp ứng mật độ thích hợp là 8 con/m2 với gà thịt trên sàn và 10 con/m2 với gà thịt trên nền.
- Gà nuôi thả vườn vẫn cần có chuồng để gà đậu, nghỉ ngơi tránh mưa gió và động vật hoang dã. Mật độ chuồng nên là 1 con/m2.
- Khử trùng chuồng nuôi trước khi đưa gà vào từ 5 – 7 ngày.
- Sử dụng chất độn chuồng là trấu hoặc dăm bào sạch để giữ ấm cho gà, giữ vệ sinh ngăn ngừa dịch bệnh.
- Đảm bảo chuồng nuôi lưu thông khí tốt, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Chuẩn bị lồng úm cho gà con
Gà con giống mua về trước khi cho vào chuồng chăn nuôi cần đưa vào lồng úm để có chế độ chăm sóc riêng. Chuẩn bị lồng úm cho gà con bà con cần chú ý:
- Kích thước mỗi lồng úm nên là chiều dài 2m x chiều rộng 1m x chiều cao 0.5 m.
- Mỗi lồng úm nuôi khoảng 100 con gà con khỏe mạnh, không có dịch bệnh.
- Có đèn chiếu sưởi ấm cho gà trong lồng úm, nên sử dụng 2 bóng 75W phân bố đều.
Chuẩn bị máng ăn, máng nước uống
Với gà trong lồng úm thì cho gà ăn bằng cách rải cám lên giấy lót, sử dụng bình hoặc máng nước uống nhỏ. Gà đã chuyển sang chuồng nuôi thì cho ăn uống bằng máng cố định trong chuồng, bà con lưu ý:
- Có thể dùng máng ăn nằm hoặc máng ăn treo, tốt nhất là máng ăn treo khi gà lớn trên 15 ngày tuổi.
- Máng nước uống đặt xen kẽ với máng ăn.
- Vệ sinh máng ăn, máng nước uống sạch sẽ trước và trong suốt quá trình nuôi.
Chuẩn bị dàn đậu
Bà con nên chuẩn bị dàn đậu cho gà ở chuồng để tránh bị tấn công và ngăn ngừa dịch bệnh, giữ đôi chân gà luôn sạch sẽ. Dàn đậu nên làm bằng tre, gỗ có diện tích bám rộng, tránh dùng các cây thân nhỏ trơn khiến gà khó đậu. Nên thiết kế giàn đậu có độ cao khoảng 0.5m, các dàn cách nhau từ 0.3 – 0.4 m để tránh gà mổ nhau.

Chuẩn bị bể tắm cát, bãi chăn thả
Gà có đặc tính thích tắm cát, đặc biệt là gà nuôi chăn thả, bà con nên thiết kế một số máng sỏi, cát, đá nhỏ xung quanh nơi nuôi nhốt hoặc ở bãi chăn thả. Bãi chăn thả giúp gà có không gian sinh hoạt, bay chạy thoải mái nên thịt gà chắc khỏe, thơm ngon, giá trị kinh tế cao hơn. Khi chuẩn bị bãi chăn thả gà bà con lưu ý:
- Bãi chăn thả là nơi đất trống, có nhiều cây xanh tạo bóng râm.
- Diện tích bãi chăn thả rộng, tối thiểu là 0.5 – 1m2/con.
- Đất nền bằng phẳng, dễ thoát nước, không bị tình trạng nước và phân đọng lại tạo mầm mống dịch bệnh.
- Xây dựng rào chắn bằng thép lưới B40 hoặc phên nứa để ngăn ngừa thú hoang xâm nhập, tránh gà bay ra khỏi khu vực nuôi nhốt.
Cách chăn nuôi gà thả vườn hiệu quả bằng chọn giống gà nuôi phù hợp
Giống gà thả vườn thường được chọn là các giống có sức khỏe tốt, ít bệnh tật, phù hợp với mục đích nuôi như sau:
- Gà nuôi theo hướng lấy thịt: gà Tàu vàng, gà Nòi, gà Tam Hoàng, gà Hồ, gà ta lai, gà Đông Tảo, gà Lương Phượng,…
- Gà nuôi theo hướng lấy trứng: các giống gà đẻ nhiều như gà ri, gà BT1, gà Tam Hoàng, gà Tàu Vàng,…

Với mỗi lứa nuôi mới bà con nên chọn gà con giống từ các trại giống chất lượng, chọn lọc những con khỏe mạnh, không bệnh tật, đặc tính tốt. Qua mỗi giai đoạn nuôi cần loại bỏ những con gà bệnh, yếu, phát triển kém để tránh ảnh hưởng tới cả đàn.
Chăm sóc và dinh dưỡng cho gà đúng kỹ thuật
Gà con giống bà con nên vận chuyển về từ lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh trời mưa lạnh và chuyển ngay vào chuồng úm để chăm sóc đặc biệt. Gà từ 21 ngày tuổi trở đi có thể chuyển sang chuồng nuôi hoặc muộn hơn nếu nuôi trong bãi chăn thả.
Cách chăn nuôi gà hiệu quả là phải chú ý chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp như sau:
- Thức ăn cho gà phải tươi mới, bảo quản trong khu vực riêng, không cho gà ăn thức ăn thối rữa, ẩm mốc.
- Nên kết hợp cho ăn bằng cả thức ăn công nghiệp và phụ phế phẩm nông – công nghiệp, quan trọng là đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng bao gồm: năng lượng, khoáng, đạm và vitamin.
- Gà nuôi nhốt bắt buộc phải bổ sung khoáng và vitamin đầy đủ, với gà thả vườn thì không quá cần thiết.
- Nên bổ sung rau xanh, giòi, trùn đất,… để cung cấp đạm và Vitamin cho gà.
- Cho gà ăn nhiều bữa trong ngày, ăn theo nhu cầu nhưng thường xuyên thêm mới thức ăn để kích thích tính thèm ăn.
- Bổ sung đầy đủ nước sạch cho gà uống với lượng vừa đủ nhiều lần trong ngày.

Tùy theo mục đích chăn nuôi lấy thịt, lấy trứng cũng như giai đoạn phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng của gà có thể thay đổi. Bà con cũng cần chú ý để bổ sung, thêm bớt các loại thức ăn cho phù hợp.
Cách chăn nuôi gà hiệu quả bằng vệ sinh và phòng bệnh
Tình trạng gà mắc bệnh dẫn đến ốm yếu, chết hàng loạt, chậm lớn, ít đẻ trứng,… là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chăn nuôi kém, thậm chí gây thua lỗ cho người nông dân. Do vậy khâu vệ sinh, phòng và điều trị bệnh cho gà là rất quan trọng. Gà nuôi có thể mắc bệnh do nhiều nguyên nhân như: thức ăn nước uống không sạch, không đủ dinh dưỡng, nhiệt độ độ ẩm không thích hợp, bị nhiễm lạnh, nhiễm tác nhân gây bệnh,…
Dưới đây là những kỹ thuật giúp bà con vệ sinh, phòng bệnh hiệu quả trong chăn nuôi gà:
- Vệ sinh phòng bệnh chủ động: cho gà uống nước sạch, ăn thức ăn tươi đủ dinh dưỡng, chọn giống khỏe, chuồng nuôi sạch, chiếu sáng thích hợp trong chuồng.
- Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin: Tiêm đầy đủ vắc xin cho gà theo từng giai đoạn khi gà khỏe mạnh, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng.
- Phòng bệnh chủ động bằng thuốc: thuốc tiêu hóa (chloramphenicol, Oxyteracilin,..), thuốc hô hấp (Tylosin, Tiamulin,…), chỉ dùng kháng sinh cho gà khi bị bệnh, không dùng liên tiếp một loại trong các liệu trình.
Trên đây traigatroi.net đã hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật và cách chăn nuôi gà hiệu quả, ít bệnh, năng suất. Hy vọng sẽ giúp bà con có những đàn gà khỏe mạnh, hiệu quả kinh tế cao.