Chăn nuôi gà con là một trong các mô hình chăn nuôi phổ biến, mang lại thu nhập cao cho người nông dân hiện nay. Tuy nhiên bà con cần nắm vững kỹ thuật nếu không tỷ lệ chết cao, gà yếu ớt lớn chậm. Trong bài viết này Trại Gà Chọi sẽ chia sẻ đến bà con cách nuôi gà con khỏe mạnh, ít chết, nhanh lớn, hãy tham khảo và áp dụng nhé!
Kỹ thuật nuôi gà con khỏe mạnh, ít chết
Để có đàn gà con khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao thì trước hết bà con cần lựa chọn gà giống chất lượng. Chỉ nên chọn những con gà khỏe mạnh, không có dị tật, phản ứng nhanh nhẹn ở những trại giống tốt.

Cách nuôi gà con mới nở
Gà con mới nở từ 1 – 21 ngày, hệ hô hấp và tiêu hóa chưa hoàn thiện nên bắt buộc phải úm gà trong chuồng, ngăn ngừa nhiễm lạnh, nhiễm ẩm. Chăm sóc gà con mới nở tốt giúp cơ thể gà phát triển hoàn thiện, sức đề kháng tốt, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở các giai đoạn sau.
Kỹ thuật úm gà con mới nở
Gà con mới nở từ 1 – 21 ngày tuổi bắt buộc phải úm gà trong chuồng, bà con phải kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và thời gian chiếu sáng nghiêm ngặt. Sử dụng lồng úm gà con hoặc chuồng úm rộng tùy theo số lượng gà. Mật độ phù hợp là 1 x 2 x 0.9 m mỗi 100 gà con.
Trước khi đưa đàn gà con mới nở vào chuồng úm cần kiểm tra tất cả các con gà, loại bỏ những con còi cọc, rù rì, có dấu hiệu bị bệnh để tránh lan ra cả đàn.

Cách nuôi gà con mới nở trong lồng úm cần lưu ý:
- Duy trì nhiệt độ: từ 33 – 35 độ C khi gà 1 – 5 ngày tuổi, có thể giảm dần khi gà con lớn hơn nhưng không dưới 30 độ C.
- Duy trì độ ẩm: từ 60 – 75% trong lồng úm.
- Kiểm soát nhu cầu chiếu sáng: Gà từ 1 – 3 ngày tuổi phải chiếu sáng liên tục 24h mỗi ngày, giảm dần thời gian xuống 12h khi gà con lớn hơn.
- Kiểm soát mật độ con trong chuồng úm: Tốt nhất là từ 30 – 35 con/m2, khi gà lớn hơn cần giãn mật độ nuôi nhốt.
- Sử dụng bóng đèn 75W hoặc công suất cao hơn lắp đặt đều trong chuồng úm để duy trì nhiệt độ và cung cấp ánh sáng cho gà con.
- Lưu ý sát trùng phòng bệnh bằng cách dùng trấu tươi sạch trộn với chất độn để làm ấm chuồng, dùng Formol 2% để sát trùng, tiêu độc lồng úm.
Chuồng úm gà mới nở vào mùa đông bà con nên dùng bóng đèn công suất cao và lắp đặt dày đặc hơn. Nên tránh úm bằng than vì khó kiểm soát nhiệt độ, ngoài ra khí độc cũng ảnh hưởng tới hô hấp của gà.
Cách nuôi gà con ít chết vào mùa mưa là chuồng úm phải cao ráo, che chắn mưa gió đầy đủ. Nên phủ lớp chấu và lót dày để tránh gà con bị nhiễm lạnh, nhiễm ẩm dễ chết và mắc bệnh hơn.
Dinh dưỡng cho gà con mới nở
Hệ tiêu hóa của gà con mới nở rất yếu, trong ruột còn sót lại một phần nhỏ dinh dưỡng cung cấp cho giai đoạn đầu nên việc ăn uống ngay sau khi nở là không cần thiết. Trong ngày đầu tiên mới nở bà con không cần cho gà ăn uống ngay, nếu cần chỉ pha nước đường ấm với tỉ lệ 50g đường hòa với 1 lít nước sạch.

Khi vừa chuyển gà mới nở từ trại giống, để khôi phục sức khỏe nên pha ít nước đường ấm cho gà uống. Trong chuồng úm gà bắt buộc phải có máng nước, máng ăn, bổ sung liên tục mỗi 2 tiếng để gà ăn mỗi khi đói.
Gà con mới nở từ 2 – 4 ngày tuổi trở đi có thể ăn cám công nghiệp dành riêng cho gà con. Bà con có thể kết hợp cho ăn cùng rau xanh hoặc ngô, tấm gạo,… để đa dạng thức ăn hơn. Nhu cầu uống nước của gà vào mùa hè tăng hơn nên cần thay nước liên tục. Có thể pha thêm 0.25% muối ăn trong nước uống của gà con mới nở.
Vấn đề vệ sinh và phòng bệnh
Lưu ý chuồng gà úm không nên che quá kín tránh gà bị ngạt, nên thiết kế tránh xa chuồng gà trưởng thành để tránh lây bệnh. trong chuồng lồng úm cần lưu ý vệ sinh thường xuyên, loại bỏ nước tù, nước đọng, thay và vệ sinh máng ăn, nước uống hàng ngày.
Ngoài ra môi trường xung quanh lồng úm gà con cần đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, sát trùng trước, trong và sau nuôi.
Cách nuôi gà con khỏe mạnh trong giai đoạn mới nở là cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng loại ở từng ngày tuổi như sau:
- Gà con 3 – 5 ngày tuổi: nhỏ mắt mũi cho gà với vắc xin Newcastle chủng F.
- Gà con 7 ngày tuổi: tiêm phòng vắc xin chống bệnh đậu gà.
- Gà con 8 – 10 ngày tuổi: Tiêm hoặc nhỏ vắc xin Gumboro.
- Gà con 21 ngày tuổi: cho uống hoặc trộn vắc xin phòng Newcastle chủng Lasota.
- Gà con 23 – 25 ngày tuổi: Tiêm vắc xin Gumboro liều nhắc lại.

Kỹ thuật nuôi gà con mới nở chuẩn là khi kết thúc giai đoạn úm (sau 21 – 35 ngày), số gà con bị chết thấp hơn 2%. Ngoài ra cân nặng của đàn gà tăng từ 2.5 – 4.5 lần là đạt tiêu chuẩn.
Cách nuôi gà con 1 tháng tuổi
Sau giai đoạn úm gà mới nở, gà con 1 tháng tuổi đã phát triển hoàn thiện các cơ quan tiêu hóa, hô hấp. Gà khỏe mạnh khi lông tơ dày, hoạt bát, năng động. Cách nuôi gà con 1 tháng tuổi bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:
Dinh dưỡng cho gà con 1 tháng tuổi
Gà con độ tuổi này có thể ăn đa dạng thức ăn như: cám, thóc, thức ăn lên men, ngô xát nhỏ,… Hai công thức phối trộn thức ăn cho gà con 1 tháng tuổi bà con có thể tham khảo sau đây:
- Công thức 1: Trộn đều cơm chín + bột ngô nghiền nhỏ + thóc nấu chín nứt vỏ, đem ủ lên men trong 3 ngày sau đó đổ cho gà con ăn.
- Công thức 2: Trộn đều bột cá + cơm chín + bột ngô + rau thái + thức ăn lên men cho gà con ăn.
Hai công thức phối trộn thức ăn này tạo hỗn hợp đầy đủ dinh dưỡng, giàu protein, đạm, vitamin,… giúp gà con nhanh lớn, khỏe mạnh hơn.
Mỗi ngày nên cho gà con 1 tháng tuổi ăn 3 bữa, mỗi bữa khoảng ⅔ kích thước diều tối đa.
Cách phòng bệnh cho gà 1 tháng tuổi
Gà con 1 tháng tuổi nên được tiêm phòng vắc xin ngừa tụ huyết trùng.
Cách nuôi gà con đạt 2 tháng tuổi
Gà con được 5 – 6 tuần tuổi có thể tách và nuôi theo phương pháp phù hợp với giống gà nhập. Chế độ dinh dưỡng và phòng bệnh như sau:
Dinh dưỡng cho gà con 2 tháng tuổi
Gà con 2 tháng tuổi có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn, do đó bà con phải bổ sung tăng lượng thức ăn. Trung bình từ 55 – 65g thức ăn/con là phù hợp, ngoài ra cũng phải đa dạng nguồn thức ăn để đảm bảo đủ các loại dinh dưỡng.

Công thức phối trộn thức ăn cho gà con 2 tháng tuổi bà con có thể tham khảo như sau:
- 30% bột bắp
- 20% cám gạo
- 14% tấm gạo
- 14% bột cá
- 10% bánh dầu
- 10% mày đậu xanh
- Tỉ lệ nhỏ muối bọt, bột sò, bột xương
Lưu ý thức ăn cho gà con phải đảm bảo sạch sẽ, không ẩm mốc, ôi thiu. Gà có dấu hiệu tiêu chảy, đi ngoài nghĩa là nguồn thức ăn đang không đảm bảo, bà con hãy kiểm tra lại.
Vệ sinh và phòng bệnh cho gà con 2 tháng tuổi
Cách nuôi gà con 2 tháng tuổi phải tiêm vắc xin phòng Newcastle chủng M, sau đó tiêm nhắc lại khi gà 8 tháng tuổi.
Ngoài ra trong chuồng gà cần phải thay nước uống, vệ sinh thường xuyên. Nên trang bị hệ thống quạt gió nếu chuồng không đủ thông thoáng để khử độc, khử mùi amoniac.
Lưu ý để nuôi gà con khỏe mạnh, nhanh lớn
Áp dụng đúng kỹ thuật nuôi gà con 3 giai đoạn mới nở – 1 tháng tuổi – 2 tháng tuổi tốt giúp gà con khỏe mạnh, không ốm yếu bệnh tật. Mục tiêu nuôi gà con là phải đảm bảo tỷ lệ chết thấp, gà con nhanh lớn, không bệnh tật. Như vậy các giai đoạn phát triển sau của gà cũng tốt hơn, bà con dễ chăm sóc hơn.

Dưới đây là một số lưu ý để nuôi gà con khỏe mạnh, nhanh lớn, ít chết, bà con hãy tham khảo và áp dụng cho chuồng trại của mình.
- Hạn chế cho gà con ăn quá nhiều cám công nghiệp, nếu có thể hãy tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp như: thóc, ngô, tấm nghiền nhỏ, thân cây chuối, giun các loại, rau xanh, bã đậu, bột xương,…
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, để trong kho chứa riêng thoáng mát, tránh ẩm mốc, không để chung với vật dụng hoặc hóa chất.
- Tuân thủ tỷ lệ phối trộn thức ăn, chỉ nên phối trộn lượng nhỏ để cho gà con ăn trong ngày hoặc 2 – 3 ngày tùy vào loại thức ăn ăn ngay hay thức ăn lên men.
- Đa dạng các loại thực phẩm phối trộn đảm bảo cung cấp đủ các loại dinh dưỡng cần thiết.
- Tránh lạm dụng bổ sung đạm quá nhiều để tăng trọng cho gà, nên bổ sung lượng vừa đủ để gà khỏe mạnh, tăng trưởng bình thường, ít dịch bệnh.
- Khi gà lớn (trên 2 tháng tuổi), chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với giống gà và mục đích chăn nuôi.
- Nếu gà ít ăn, bà con có thể nghiền nhỏ cám viên cùng các thực phẩm khác để kích thích gà ăn ngon miệng.
Hy vọng những kiến thức, kỹ thuật về cách nuôi gà con trên đây sẽ giúp bà con nuôi gà hiệu quả, gà con khỏe mạnh, ít chết, cho năng suất và giá trị thương phẩm cao.