Nuôi gà thả vườn là mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, thịt gà thơm ngon chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên nếu bà con không có kỹ thuật chăn nuôi tốt, gà dễ bị bệnh, ốm chết, doanh thu thấp hay thậm chí thua lỗ. Trong bài viết này Trại gà chọi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn chi tiết.

Chọn giống nuôi gà thả vườn
Giống gà nuôi thả vườn lựa chọn khác với nuôi thả chuồng, bà con nên chọn giống có khả năng kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon bán được giá cao. Các giống gà nuôi thả vườn được ưa chuộng hiện nay như:
- Gà nuôi lấy thịt: gà Đông Tảo, gà Tàu vàng, gà Mía lai, gà Nòi, gà Ri, gà Tam Hoàng, gà ta lai, gà Hồ,…
- Gà nuôi lấy trứng: gà Ri, gà BT1, gà Tàu Vàng, gà Tam Hoàng,…
Gà con nuôi thả vườn bà con lựa chọn kỹ, phải có sức khỏe và hình thể tốt như: mắt sáng nhanh, bụng gọn, chân mập, trọng lượng đồng đều. Phải loại bỏ những con gà không đảm bảo chất lượng hoặc có dấu hiệu bệnh để tránh ảnh hưởng đến cả đàn.
Chuẩn bị chuồng trại và bãi chăn thả nuôi gà thả vườn
Nuôi gà thả vườn phải có diện tích vườn rộng, thông thoáng để gà vận động, tìm kiếm thức ăn. Như vậy thịt gà mới thơm ngon, chắc thịt và bán được giá. Bà con chuẩn bị chuồng trại nuôi gà thả vườn như sau:
Bãi chăn thả gà vườn
Bãi chăn thả dành cho gà nuôi thả vườn, nhất là gà nuôi lấy thịt phải rộng, mật độ tối thiểu là 0.5 – 1m2/con. Nếu đất vườn rộng thì nên bố trí chuồng nuôi ở trung tâm, bãi chăn thả gà ở xung quanh để giúp gà có không gian vận động rộng hơn.

Bãi chăn thả phải có nền đất cứng, có cây xanh xung quanh đem lại bóng mát tự nhiên. Các bãi chăn thả lấy từ đất vườn, đất ruộng thì cần san lấp bằng phẳng, tránh để vùng đất trũng gây đọng nước. Ngoài ra bà con cũng nên chú ý thiết kế hệ thống thoát nước để dễ dàng vệ sinh, dọn dẹp bãi chăn thả.
Xung quanh bãi chăn thả gà cần được rào bằng lưới thép, phên, nứa,… cao, chắc chắn để tránh gà bay ra ngoài hoặc thú hoang xâm nhập.
Chuồng trại nuôi gà thả vườn
Nuôi gà thả vườn vẫn cần có chuồng nuôi để gà có chỗ ngủ ban đêm hoặc trú mưa, trú nắng. Chuồng nuôi gà cần xây dựng kiên cố, chắc chắn, đảm bảo các yếu tố sau:
- Thông thoáng, nên thiết kế không gian mở để tận dụng ánh nắng tự nhiên sát khuẩn, ngăn ngừa dịch bệnh và ẩm mốc.
- Nền chuồng kiên cố, thiết kế hơi dốc để dễ vệ sinh.
- Nên rải trấu vi sinh dưới nền chuồng để không cần dọn phân, giữ vệ sinh và giảm khí amoniac gây hại.
- Mái chuồng lợp lá hoặc lợp tôn, có vách ngăn chắc chắn tránh mưa hắt vào bên trong.
- Trong chuồng cần có hệ thống thoát nước thải, được vệ sinh sát khuẩn thường xuyên.
Chuồng nuôi gà thả vườn nên càng rộng càng tốt, mật độ tối thiểu từ 10 – 12 con/m2.
Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn
Để gà phát triển tốt, cân nặng đồng đều, chất lượng thương phẩm cao thì bà con cần chú ý cách nuôi gà thả vườn bao gồm: cho gà ăn và uống, phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại.
Thức ăn và nước uống cho gà nuôi thả vườn
Thức ăn cho gà nuôi thả vườn bà con có thể đa dạng kết hợp cả thức ăn công nghiệp và các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và các nhóm chất bao gồm: đạm, năng lượng, vitamin và chất khoáng.

Cho gà thả vườn ăn quá nhiều thức ăn công nghiệp sẽ khiến gà dễ bị mập mỡ, thịt không thơm và chắc. Nhưng nếu cho ăn chủ yếu phế phẩm nông nghiệp thì gà tăng cân chậm, năng suất chăn nuôi kém.
Dưới đây là một số lưu ý khi cho gà nuôi thả vườn ăn uống:
- Nước uống cho gà phải sạch, đầy đủ, nên sử dụng máng thức ăn treo cao hoặc đặt dưới thềm nhưng phải đảm bảo vệ sinh.
- Tăng lượng nước uống cho gà vào mùa hè, có thể giảm vào mùa đông tùy theo nhiệt độ môi trường.
- Cho gà ăn nhiều bữa trong ngày nhưng bổ sung thức ăn mới thường xuyên.
- Xung quanh máng thức ăn nên dải lót tránh dây phân, dính bẩn vào thức ăn.
- Chỉ cho gà ăn thức ăn tươi, không bị nấm mốc.
- Cho gà ăn tự do nhưng nên rải ít thức ăn một để kích thích tính thèm ăn của gà.
Với gà chăn nuôi thả vườn thì việc bổ sung vitamin và chất khoáng không quá quan trọng. Chủ yếu bà con cần cân bằng thức ăn các loại để đạt chất lượng và năng suất nuôi cao nhất.
Vệ sinh chuồng trại và vườn nuôi
Chuồng trại và vườn nuôi gà phải được vệ sinh thường xuyên, tránh để tình trạng ao tù nước đọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, vườn nuôi thả gà như sau:
- Tránh cho quá nhiều thức ăn, nước uống gây rơi vãi ra sàn, vừa mất vệ sinh vừa gây lãng phí.
- Phải thực hiện khử trùng, tiêu độc cho chuồng và vườn chăn nuôi gà trước và trong quá trình nuôi.
- Đặc biệt giữa các đợt nuôi phải có thời gian nghỉ khử trùng để loại bỏ toàn bộ nguy cơ dịch bệnh.
- Độn chuồng, xới đào định kỳ để tăng độ dày cho chuồng, hạn chế dịch bệnh và nấm mốc.
- Sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi gà, đặc biệt là vào mùa dịch bệnh.
- Dọn dẹp bụi rậm, ao tù nước đọng xung quanh chuồng và vườn nuôi.
- Vệ sinh thường xuyên máng thức ăn, máng nước uống.

Hướng dẫn phòng bệnh
Gà thả vườn có nguy cơ mắc bệnh, chậm lớn cao hơn so với gà nuôi nhốt chuồng do gà tiếp xúc nhiều hơn với môi trường. Nếu không kiểm soát tốt mầm bệnh và phòng ngừa thì đàn gà có thể cùng lúc nhiễm bệnh và chết.
Dưới đây là một số loại bệnh gà nuôi thả vườn thường mắc phải, bà con cần chủ động phòng ngừa như sau:
- Gà bị dịch tả từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành: dùng vacxin V4 hoặc thuốc nhỏ mắt Lasota nhỏ vào mắt/mũi gà với gà nhỏ, pha vào nước uống với gà từ 18 – 20 ngày. Gà từ 35 – 40 ngày cần tiêm vào da cánh để trị bệnh hiệu quả hơn.
- Gà bị viêm phế quản truyền nhiễm: thường gặp với gà mới nở, phòng ngừa bằng cách nhỏ miệng và mũi vắc xin IB chủng H120 pha với nước cất.
- Gà bị tụ huyết trùng: thường gặp với gà lớn trên 40 ngày, phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin THT ở đùi và lườn.
Ngoài ra để hạn chế gà thả vườn mắc bệnh bà con nên chọn các loại gà giống tốt, thuần chủng, có sức đề kháng và chống dịch bệnh tốt. Hy vọng những kiến thức chăn nuôi gà thả vườn trên đây sẽ giúp bà con nuôi gà hiệu quả, khỏe mạnh, ít dịch bệnh và cho năng suất cao.