Bệnh ORT hay còn được gọi là bệnh viêm mũi, khí quản, phổi, túi khí, bệnh viêm phổi hóa mủ. Bệnh này là bệnh rất phổ biến ở gia cầm và đặc biệt là ở gà. Hằng năm, căn bệnh này đã gây nên thiệt hại rất lớn cho người nuôi gà. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cho mọi người biết được những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh ORT ở gà. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh ORT là bệnh gì?
Bệnh ORT ở gà là một bệnh hô hấp cấp tính do vi khuẩn Ornithobacterium rhinotracheale gây ra. Con vi khuẩn này sẽ tác động trực tiếp lên đường hô hấp và phổi của gà. Làm cho gà có các biểu hiện điển hình như là khó thở, ngáp, ho hay chảy nước mắt mũi, phổi viêm có mủ và bã đậu hình ống.
Thông thường với bệnh này người nuôi thường điều trị bằng kháng sinh như: Tylosin, Cephalexin, Enrocin,… nhưng bệnh giảm không đáng kể.

Thời gian bệnh thường xảy ra là vào mùa xuân, mùa hè và thời điểm giao mùa trong năm. Giai đoạn độ ẩm của không khí tăng cao. Các loại gà thịt thường sẽ mắc vào 3 đến 6 tuần tuổi. Còn những loại gà khác thì từ 6 tuần tuổi trở lên. Tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao, khoảng 50 đến 100% nhưng tỷ lệ chết và loại thải lại lấp, khoảng 5 đến 20%. Con vi khuẩn này lây lan rất nhanh, nó có thể sống trên gà và cả ngoài môi trường. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phù thuộc vào khả năng gây bệnh của chủng virus đó.
Triệu chứng và bệnh tích của bệnh ORT
Dưới đây là một số triệu chứng và bệnh tích của bệnh ORT mà người nuôi cần nắm rõ:
Triệu chứng:
Khi gà bị bệnh ORT sẽ có các triệu chứng:
- Khó thở, ngáp gió, ho, lắc đầu, vẩy mỏ,…
- Sốt cao, ủ rũ và giảm ăn.
- Gà chảy nước mắt mũi bên cạnh đó còn sưng mặt.
- Gà có thể bị tiêu chảy hoặc có dịch viêm trên nền chuồng.
- Với những con gà đẻ thì sẽ có triệu chứng sụt đẻ, đẻ non và vỏ trứng mỏng.
- Bệnh này sẽ phát sinh từ từ và theo từng ô chứ không xảy ra ồ ạt, hàng loạt.
- Gà chết trong trạng thái ngả ngửa.
- Với thể bệnh mãn tính âm thầm: nhiều gà sẽ bị còi cọc và chậm lớn, tiêu tốn thức ăn hơn bình thường.
- Với thể bệnh cấp tính hơn: có thể gây chết lên tới mức 30% trở lên.

Bệnh tích:
Khi gà bị bệnh ORT sẽ có một số bệnh tích sau:
- Có bã đậu, mủ, dịch mủ ở bên trong khí quản, 2 bên khí quản chính và phổi.
- Ở túi khí có viêm bọt khí, có thể có cả mủ màu vàng. Bên cạnh đó ở túi khí, màng gan, màng tim có màng.
- Phổi của gà bị viêm mủ hóa, tập trung hoặc rải rác trên bề mặt.
- Khí quản gần như là không xuất huyết, hoặc một số trường hợp có xuất huyết nhưng ít. Niêm mạc khô và ít nhầy.

Phân biệt bệnh ORT với bệnh ILT và bệnh IB trên gà
Tên bệnh | Phân biệt triệu chứng |
ORT | – Triệu chứng: gà bị ngạt thở, khó thở nhưng không biểu hiện thành chu kỳ, không thành từng cơn như ILT mà gà ngáp liên tục và thường xuyên khó thở.
– Bệnh tích: + bã đậu hình ống chứ không vón cục như ILT. + vị trí bã đậu: trong phổi, trong 2 ống phế quản chính và trong lòng khí quản (gà ho đẩy bã đậu từ dưới lên ống khí quản). + khí quản bình thường hoặc xung huyết nhẹ. Điển hình của ORT: bã đậu hình ống trong phổi và 2 phế quản chính. |
ILT
(Viêm thanh khí quản truyền nhiễm) |
– Triệu chứng: khó thở, ngạt thở theo chu kỳ: nghĩa là khi khó thở, gà tím mào, há mồm, rướn dài cổ và khạc khạc ra đờm, thi thoảng có lẫn máu trong đờm. sau khi khạc đờm thì gà rùng mình, vẩy mỏ và mào tích lẫn lông lá trở lại bình thường (không tím tái).
– Bệnh tích: + Bã đậu vón cục. + Vị trí bã đậu: ngã 3 thanh khí quản hoặc có thể bị trôi xuống khí quản. Như vậy: nếu thấy bã đậu có trong khí quản, ta nên dựa vào hình dạng của bã đậu (hình ống hay vón cục) để xác định nguyên nhân gây bệnh là ORT hay ILT. |
IB | – Gà có khó thở nhưng không rướn cổ ngáp dài như ORT và ILT mà chỉ thở khò khè.
– Khí quản có dịch nhầy, xuất huyết nặng nhìn rõ (không khô, ít dịch như ORT). |
Con đường lây truyền của bệnh ORT
Như ở phần đầu đã nói, bệnh này lây truyền khá nhanh và xảy ra ở mọi lứa tuổi của gà. Độ tuổi thường gặp nhất là gà giò và gà lớn. Đối với gà thịt thì thường vào giai đoạn lúc gà 3 đến 6 tuần tuổi. Còn với các loại gà khác thì từ 6 tuần tuổi trở lên.
Đây là một loại bệnh hô hấp, do đó con đường lây truyền bệnh cũng chủ yếu từ đây mà ra. Gà bệnh thường lây bệnh cho gà khỏe qua tiếp xúc trực tiếp như là gà bệnh hắt hơi làm chất chứa mầm bệnh bắn ra ngoài không khí và gà khỏe hít phải rồi dẫn đến lây bệnh.

Ngoài ra thì bệnh này cũng có thể lây truyền qua gió hay các dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển, động vật mang mầm bệnh. Con người cũng là một nhân tố trong sự lan truyền bệnh này nữa đó! Khi lây bệnh, virus xâm nhập vào cơ thể của gà và sinh sôi, phát triển ở niêm mạc đường hô hấp. Tiếp theo chúng sẽ đến cư trú ở cơ quan đích là phổi, 2 phế quản gốc và gây nên các bệnh tích đặc trưng của bệnh ORT ở đó. Vậy nếu muốn phòng và điều trị bệnh này thì phải làm như thế nào? Hãy cùng theo dõi tiếp ở phần dưới đây nhé!
Cách phòng và điều trị bệnh ORT ở gà
Một số cách phòng và điều trị bệnh ORT ở gà sẽ được Trại gà chọi chúng tôi liệt kê ngay dưới đây:
Cách phòng bệnh ORT ở gà
Bệnh ORT ở gà hiện chưa có vaccine đặc trị phòng bệnh, do đó người nuôi muốn phòng bệnh này một cách hiệu quả và đúng chuẩn nhất thì nên tuân thủ một số cách sau:
- Quản lý đàn gà một cách hợp lý và tuân theo quy tắc “cùng vào cùng ra” để đảm bảo an toàn cho cả đàn.
- Vệ sinh chuồng trại, phương tiện vận chuyển, các dụng cụ chăn nuôi một cách thường xuyên.
- Mỗi tuần 1 lần phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại bằng Pencid 200 hay lodine 10%.
- Chế độ ăn uống vô cùng quan trọng với gà, do đó người nuôi phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà gà cần. Bên cạnh đó cũng nên bổ sung các vitamin, nước điện giải để tăng sức đề kháng cho gà chống lại bệnh tật.
- Cuối cùng, cần tiêm đầy đủ các vacxin phòng bệnh có thể kế phát như ILT, IB, APV để có thể hạn chế được phần nào khả năng nhiễm bệnh cho gà.

Điều trị bệnh ORT ở gà
Như đã nói ở trên, bệnh ORT hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể điều trị bệnh theo hướng là điều trị từng triệu chứng bệnh và chống các vi khuẩn kế phát bằng cách:
- Hạ sốt cho gà bằng các loại thuốc có thành phần Paracetamol như Para C30 với liều lượng vừa đủ. Cách hoà 1g/3-4l nước tương đương 1g/30kg thể trọng vào nước hoặc trộn vào thức ăn.
- Bên cạnh việc hạ sốt, còn phải bổ sung thêm Vitamin C để góp phần giải độc và tăng sức đề kháng cho gà ngày càng tốt hơn.
- Sử dụng thuốc long đờm làm giãn phế quản như Bromhexine, …
- Sử dụng kháng sinh đường hô hấp nhạy cảm với bệnh ORT ở gà như: Doxy 50, Tilmico 250,..
- Tăng cường sức đề kháng, trợ sức cho gà bằng cách sử dụng Gluco K+C, Vitamin C15,…

Trên đây là tất cả những kiến thức về bệnh ORT ở gà mà Trại gà chọi chúng tôi muốn cung cấp tới mọi người. Hy vọng với những thông tin này, người nuôi có thể dễ dàng hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh cho gà hiệu quả.