Hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng 

Hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng 

Nuôi gà đẻ trứng là một trong những hình thức chăn nuôi nông nghiệp phổ biến, đem lại lợi nhuận cao, ổn định cho người dân. Khác với chăn nuôi truyền thống, nuôi gà lấy trứng hiện nay theo hướng công nghiệp, quy mô lớn. Để gà đẻ nhiều trứng, khỏe mạnh, liên tục thì bà con cần nắm vững kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng. Cùng Trại Gà Chọi cập nhật kiến thức nuôi gà đẻ trứng trong bài viết này nhé.

Nuôi gà đẻ trứng mang lại lợi nhuận cao, ổn định cho người dân
Nuôi gà đẻ trứng mang lại lợi nhuận cao, ổn định cho người dân

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng nhiều

Trước khi bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng nhiều, bà con cần lựa chọn được giống gà tốt chuyên cho mục đích nuôi lấy trứng. Một số giống gà đẻ trứng nhiều bà con có thể tham khảo như: gà ri, gà ta (phù hợp nuôi gà thả vườn), gà siêu trứng như gà Ai Cập, gà Nagoya, gà Leghorn,…

Nếu như nuôi kết hợp các giống gà mái đẻ trứng khác nhau, cần chọn giống thuần chủng và chăn nuôi riêng chuồng. Điều này giúp bà con chăn nuôi đúng kỹ thuật với mỗi giống nhà và tránh tình trạng lai tạo giống. 

Cách chăn nuôi gà đẻ trứng giai đoạn gà con

Gà con lựa chọn để nuôi lấy trứng cần được chọn lọc kỹ qua các yếu tố sau: cơ thể phát triển đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn, mắt sáng, không bị khô chân, rù rì, phân trắng, cánh xệ, bụng vẹo,… Ngoài ra trọng lượng gà con phải đúng tiêu chuẩn của giống, có màu lông đặc trưng.

Gà nuôi đẻ trứng cần lựa chọn giống tốt, trọng lượng đúng tiêu chuẩn
Gà nuôi đẻ trứng cần lựa chọn giống tốt, trọng lượng đúng tiêu chuẩn

Các kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng giai đoạn gà con như sau:

Úm chuồng gà con

Gà con giống để nuôi đẻ trứng bà còn có thể tự ấp nở hoặc mua giống ở các trại cung cấp. Gà từ 1 – 21 ngày tuổi bắt buộc phải nuôi úm chuồng, bà con kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện chuồng úm bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm, thời gian chiếu sáng,… 

  • Thắp bóng đèn 24h cho gà mới nở, khi gà lớn hơn có thể thắp 12h vào buổi tối hoặc ban đêm để duy trì nhiệt độ chuồng từ 30 – 35 độ C.
  • Gà con cần được chiếu sáng liên tục 24h khi 1 – 3 ngày tuổi, sau đó có thể giảm thời gian chiếu sáng 12 giờ mỗi ngày khi gà lớn hơn.
  • Chuồng úm phải cao ráo, che chắn mưa gió đầy đủ tránh gà con bị nhiễm lạnh, nhiễm nước dễ bị bệnh.

Dinh dưỡng cho gà con

Với gà con tự ấp nở, bà con cần cho gà uống nước pha đường (5 – 10% đường) sớm sau khi gà nở, không cần cho gà ăn sớm. Với gà con giống mua từ các trại cung cấp, cần chú ý vận chuyển trong buồng, hộp kín, ủ ấm và tránh dính nước. Khi gà về đến chuồng úm, nên cho gà uống nước đường ấm để lại sức.

Gà con từ 2 ngày tuổi có thể cho ăn thức ăn chuyên dùng cho gà con, có thể rắc rải lên giấy lót hoặc dùng khay. Trong chuồng úm gà cần luôn có thức ăn và nước uống, tốt nhất nên cho gà uống nước trước 2 giờ mới cho ăn.

Nuôi gà con tốt giúp gà trưởng thành đẻ sai trứng, khỏe mạnh
Nuôi gà con tốt giúp gà trưởng thành đẻ sai trứng, khỏe mạnh

Gà con trong chuồng úm có nhu cầu ăn liên tục trong ngày, tuy nhiên bà con chỉ cho lượng thức ăn vừa đủ mỗi lần. Khi hết hoặc chuẩn bị đợt ăn mới thì thêm thức ăn, việc này vừa giúp đảm bảo vệ sinh chuồng trại vừa kích thích tính thèm ăn của gà.

Vệ sinh và phòng ngừa bệnh

Chuồng úm gà phải thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ phân và nước bẩn tích tụ thường xuyên. Trong chuồng và xung quanh chuồng cần được sát trùng khử khuẩn, tránh tác nhân gây bệnh xâm nhập. Ngoài ra chuồng của gà con cần phân cách, tránh gần chuồng gà trưởng thành để tránh bị lây bệnh.

Gà con cần được tiêm phòng, ăn/uống thuốc đầy đủ tùy theo giai đoạn để phòng ngừa các bệnh thường gặp như: Marek, Newcastle các chủng thường gặp, Gumboro, chủng đậu,…

Cách chăn nuôi gà đẻ trứng giai đoạn chuẩn bị đẻ

Gà từ 8 – 9 tuần tuổi bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị đẻ (hậu bị), bà con cần lọc lại những con gà đạt chất lượng để có chế độ chăm sóc dinh dưỡng riêng. Gà hậu bị đạt chất lượng là những con gà nhanh nhẹn, màu lông chuẩn theo giống, chân bóng và cứng cáp, trọng lượng đạt chuẩn theo giống gà. Những con gà không đạt chất lượng cần loại bỏ, phải đảm bảo đàn gà hậu bị phát triển đồng đều, thành thạo sinh dục.

Chuẩn bị chuồng nuôi gà hậu bị

Gà đẻ giai đoạn hậu bị có khả năng thích nghi tốt với nhiệt độ và ánh sáng tự nhiên, do vậy không cần thiết phải nuôi trong chuồng với giống gà đẻ thả vườn. Các giống gà siêu trứng nuôi chuồng thì bà con lưu ý phải chuẩn bị chuồng sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng có ánh sáng tự nhiên.

Sàn chuồng có thể trải trấu hoặc mùn cưa để giữ ấm vào mùa đông. Ngoài ra cần sát trùng, vệ sinh chuồng và khu vực xung quanh sạch sẽ trước khi cho lứa gà hậu bị vào.

Gà giai đoạn hậu bị cần chú ý chiếu sáng liên tục
Gà giai đoạn hậu bị cần chú ý chiếu sáng liên tục

Thức ăn và nước uống cho gà hậu bị

Để gà hậu bị phát triển tốt, chuẩn bị cho lứa đẻ nhiều và liên tục thì bà con chú ý chế độ ăn uống như sau:

  • Cho gà uống nước trước khi ăn khoảng 2 giờ để kích thích tiêu hóa, lưu ý không nên cho gà uống quá nhiều nước. Tỷ lệ thích hợp là 2 phần nước : 1 phần thức ăn.
  • Chỉ cho gà ăn lượng thức ăn vừa đủ mỗi lần để kích thích gà ăn nhiều.
  • Nên cho gà ăn 2 bữa sáng và tối mỗi ngày, giữa ngày để máng rỗng để kích thích gà ăn nhiều vào ban ngày.
  • Tăng dần lượng thức ăn cho gà theo cân nặng của gà.
  • Sử dụng thức ăn chuyên dùng cho gà đẻ trứng giai đoạn hậu bị, có thể kết hợp thêm thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp để đa dạng dinh dưỡng.

Phòng bệnh cho gà hậu bị

Điều kiện chuồng trại sạch sẽ, có lớp lót phòng tránh vi sinh vật, nấm mốc thì gà thường phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên bà con cần lưu ý theo dõi tình trạng đàn gà thường xuyên, can thiệp sớm khi gà có các dấu hiệu bệnh bất thường.

Cách chăn nuôi gà đẻ trứng giai đoạn gà đẻ

Gà nuôi chuẩn bị đến giai đoạn đẻ trứng (từ 18 – 21 tuần tuổi) cần chọn lọc lại các con đạt tiêu chuẩn như sau:

  • Cân nặng trên 1kg, tốt nhất là 1.35 – 1.65kg/con tùy vào giống gà.
  • Thân hình mập mạp, đít hơi xệ, bụng to nhưng vẫn nhanh nhẹn.
  • Lông mượt mà, mềm, đúng màu của giống.
  • Mồng đỏ tươi, xương chậu rộng, niêm mạc hậu môn mở rộng.
  • Chân nhỏ, mỏ ngắn và thẳng, mắt sáng tươi.

Những con gà khác trong đàn chưa đến thời kỳ đẻ trứng thì nuôi tách riêng với chế độ chăm sóc như giai đoạn hậu bị cho đến khi đạt tiêu chuẩn. Những con gà không đạt tiêu chuẩn về cân nặng, hình thể, phát dục,… thì cần loại bỏ để tránh ảnh hưởng đến năng suất đẻ và chất lượng trứng.

Kỹ thuật nuôi gà giai đoạn đẻ trứng như sau:

Yêu cầu về chuồng trại

Gà bước vào giai đoạn đẻ trứng cần ở chuồng riêng, tốt nhất bà con cần chuyển chuồng trước khi gà đẻ 2 tuần. Gà ổn định chỗ ở sớm sẽ tránh tình trạng stress, đẻ kém khi đến kỳ sinh sản.

Trong chuồng gà đẻ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Ánh sáng: Lắp bóng đèn 75 – 100W khắp chuồng nuôi, đảm bảo cường độ chiếu sáng từ 3 – 4 W/m2. Lưu ý thắp sáng liên tục, tăng lượng sáng trước khi rạng đông 1 – 2 giờ để kích thích sản sinh hormone sinh sản.
  • Kích thước: kích thước chuồng phù hợp với số lượng gà đẻ, tốt nhất nên duy trì ở mức 3.5 – 4 con/m2 chuồng trại.
  • Ổ đẻ phải bố trí sẵn, phân đều khắp chuồng tương ứng với số gà đẻ (tốt nhất là khoảng 5 con/ổ), ưu tiên vị trí yên tĩnh, thông thoáng, ít sáng nhất trong chuồng.
  • Chuồng đẻ phải sạch sẽ, thông thoáng, tránh tích bẩn và nước tụ gây bệnh cho gà.

Thức ăn và nước uống cho gà đẻ trứng

Gà đẻ hoặc gần đẻ khi chuyển chuồng mới rất dễ bị stress, do đó bà con cần lưu ý tăng hàm lượng dinh dưỡng cho gà. Ngoài ra cần chuẩn bị sẵn nguồn nước và thức ăn sạch cho gà ở chuồng mới để gà bắt kịp nhịp phát triển.

Tỉ lệ gà trống/gà mái nên duy trì tốt nhất ở mức 1:8 đến 1:10, gà trống thường phát triển sớm hơn gà mái. Bà con theo dõi và loại bỏ những con gà trống hay nằm ở ổ đẻ hoặc trên nóc ổ đẻ vì dễ gây vỡ trứng, ít đạp mái.

Kỹ thuật thu hoạch và xử lý trứng

Gà bắt đầu đẻ khi được khoảng 21 tuần tuổi, mức đẻ cao nhất khi được 27 – 29 tuần tuổi. Nên thu nhặt trứng trong chuồng thường xuyên từ 2 – 4 lần/ngày, bảo quản trong khay ở nơi thoáng mát. Lưu ý cần đặt trứng nhẹ nhàng vào khay, quay phần nhọn của quả trứng xuống dưới. Trứng không nên giữ quá 7 ngày sẽ làm giảm chất lượng và độ thơm ngon.

Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng Ai Cập siêu trứng

Gà đẻ trứng Ai Cập là giống gà siêu trứng được nhiều bà con lựa chọn hiện nay. Nếu kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng tốt, gà có thể cho trung bình 200 – 210 quả trứng mỗi năm. Yêu cầu chăm sóc và dinh dưỡng với gà Ai Cập cao hơn so với các giống gà khác, do vậy bà con cần lưu ý cập nhật kỹ thuật nuôi thường xuyên.

Gà đẻ trứng Ai Cập khó nuôi nhưng năng suất cao hơn các giống khác
Gà đẻ trứng Ai Cập khó nuôi nhưng năng suất cao hơn các giống khác

Dưới đây là một số lưu ý trong kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng Ai Cập, bà con hãy tham khảo và áp dụng nhé.

  • Gà bắt đầu đẻ trứng sớm từ khoảng 20 tuần tuổi, năng suất cao nhất trong vòng 1 năm đầu tiên, sau đó giảm dần.
  • Gà Ai Cập siêu trứng có thể nuôi chuồng hoặc nuôi thả vườn, tuy nhiên nuôi chuồng được ưu tiên hơn.
  • Trong chuồng nuôi nên duy trì mật độ 5 – 6 con/m2, tùy theo điều kiện thời tiết mà thắp đèn sáng và sưởi ấm.
  • Trong chuồng nuôi luôn có máng ăn và máng nước uống, các ổ đẻ nên đặt cao cách sàn 1 – 1.5m.
  • Bấm mỏ gà đẻ Ai Cập tránh chúng mổ nhau trong chuồng.
  • Thức ăn cho gà nên bổ sung vỏ sò, bột đá để vỏ trứng cứng, thêm rau xanh và thóc mầm tỷ lệ 8 – 10% để thúc đẩy sinh sản.

Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng vườn

Với mô hình nuôi gà đẻ trứng thả vườn, bà con nên chọn các giống gà ta có năng suất đẻ cao, chất lượng trứng tốt như:

  • Gà Ri chuyên đẻ: đẻ từ 80 – 100 quả/năm, khối lượng trứng khoảng 42 – 43g/quả.
  • Gà Đông Tảo Hưng Yên: đẻ từ 55 – 60 quả/năm, khối lượng trứng khoảng 55  – 75g/quả.
  • Các giống gà ta đẻ trứng khác: gà Mía, gà Hồ, gà Phù Lưu Tế,…

Gà nuôi đẻ trứng vườn cũng phải có chuồng cho gà trú mưa, nắng. Bà con nên xây chuồng ở vị trí cao ráo, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Đặc biệt chuồng gà thả vườn phải dễ thoát nước, không bị gió đông bắc thổi trực tiếp.

Vườn nuôi gà đẻ trứng phải rộng (tốt nhất là mật độ 1m2/con), xung quanh quây lưới thép cao để tránh gà bay ra ngoài. Trong vườn cần có hệ thống thoát nước, đất ấm bằng phẳng. Máng nước và thức ăn có thể đặt xuống đất hoặc treo lên, xung quanh dải bạt, giấy để tránh thức ăn vương vãi dính bẩn.

Gà đẻ trứng vườn phải có đất vườn rộng
Gà đẻ trứng vườn phải có đất vườn rộng

Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng vườn bắt buộc phải thiết kế giàn đậu, bể chứa cát, sỏi cho gà và ổ đẻ để gà đẻ trứng. Bà con nên cố định ổ đẻ ở một chỗ, tránh di chuyển vì gà thả vườn có thói quen đẻ ở một chỗ.

Lưu ý để nuôi gà đẻ trứng nhiều, năng suất cao

Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng khác với mục đích nuôi gà lấy thịt, bà con cần chú ý những vấn đề sau để năng suất trứng cao, gà đẻ liên tục.

  • Kỹ thuật kích thích hormone sinh dục để gà đẻ nhiều trứng hơn: bằng cách chiếu sáng bằng đèn hoặc cho gà phơi nắng 12 – 14 giờ mỗi ngày, liên tục trong 3 tuần. Tốt nhất nên thực hiện ở gà hậu bị chuẩn bị đẻ.
  • Lưu ý bổ sung canxi: Gà đẻ trứng có nhu cầu canxi cao, bà con quan sát nếu vỏ trứng mỏng, gà thường đẻ non thì cần tăng canxi trong thức ăn cho gà.
  • Dinh dưỡng nuôi gà đẻ trứng đa dạng các loại, tránh tình trạng gà quá ốm không có sức đẻ hoặc gà quá mập không thể đẻ nhiều. Nếu thấy trọng lượng gà thấp/cao hơn bình thường cần tùy chỉnh chế độ ăn phù hợp.
  • Tình trạng gà ấp bóng không đẻ trứng: là khi gà mái vẫn nằm trong ổ ấp khi đã thu trứng, đây là bản năng tự nhiên của gà. Để khắc phục thì nên cho gà ăn nhiều rau xanh và protein hơn hoặc bổ sung thuốc aspirin, anlgin với liều lượng thích hợp.

Trên đây Trại Gà Chọi  đã tổng hợp đến bà con kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng chi tiết nhất. Hy vọng sẽ giúp bà con chăn nuôi hiệu quả, năng suất trứng cao.

Bài viết liên quan