Bệnh tụ huyết trùng ở gà là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Bệnh này có khả năng lây lan rất nhanh và tỷ lệ gà bị chết do nhiễm bệnh lên đến 80 – 90%. Nếu như không phát hiện kịp thời sẽ gây thiệt hại và mất mát rất lớn đối với người nuôi. Qua bài viết này, hãy cùng Trại gà chọi tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh nguy hiểm này nhé!
Bệnh tụ huyết trùng ở gà là bệnh gì?
Bệnh tụ huyết trùng ở gà hay còn được người dân thường gọi với cái tên là bệnh toi gà. Bệnh do vi khuẩn gây ra và thường xuất hiện vào những thời điểm giao mùa. Đặc biệt là ở những nơi có khí hậu nóng ẩm, bệnh càng phát triển mạnh hơn nữa. Bệnh tụ huyết trùng ở thể nhiễm trùng huyết. Đặc trưng của bệnh là có hiện tượng viêm xuất huyết ở tổ chức liên kết dưới da và màng niêm mạc, gan hoại tử.
Nếu bệnh phát sinh từ đàn gà thì thường gà sau 3 tuần tuổi trở lên sẽ phát bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh cũng thấp và lẻ tẻ. Còn nếu lây lan từ bên ngoài vào đàn gà, trại nuôi thì nó sẽ gây bệnh trên mọi lứa tuổi của gà.

Không chỉ riêng gà mà các loại gia cầm trong tự nhiên đều có thể bị nhiễm bệnh tụ huyết trùng. Gà, vịt thì thường mắc bệnh này nhiều hơn và bùng phát bệnh cũng nhanh hơn. Như đã nói ở trên, nếu không kiểm soát dịch bệnh kịp thời sẽ mang lại nhiều hậu quả không lường trước được cho người nuôi. Những loài chim hoang dã trong tự nhiên hoặc chủ trang trại đều có thể là vật chủ mang mầm bệnh và lan truyền.
Nguyên nhân của bệnh tụ huyết trùng ở gà
Bệnh tụ huyết trùng ở gà do vi khuẩn gram âm Pasteurella multocida gây ra. Vi khuẩn này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa là chính. Chúng cũng có thể lây nhiễm bệnh qua vết thương ngoài da nếu tiếp xúc với gia cầm đang mang bệnh. Vi khuẩn này không có bào tử thuộc ba chủng là multocida, septica, gallici da. Trong đó thì chủng multocida là chủng phổ biến nhất gây nên bệnh tụ huyết trùng ở gà. Hai chủng còn lại cũng có thể gây nên bệnh tụ huyết trùng nhưng ít hơn.

Vi khuẩn này sẽ truyền nhiễm bằng cách đi vào đường máu của gia cầm. Tiếp đó là đến các cơ quan và gây nên hiện tượng tụ máu và viêm nhiễm. Mầm bệnh tụ huyết trùng có thể tồn tại ở bất cứ đâu, ở trong không khí, trong thức ăn và nước uống của gia cầm nếu điều kiện vệ sinh chuồng nuôi kém hay thức ăn ôi thiu, ẩm mốc.
Triệu chứng bệnh tụ huyết trùng ở gà
Bệnh tụ huyết trùng ở gà thường xuất hiện và bùng phát lớn trong thời điểm giao mùa. Lúc thời tiết thay đổi đột ngột và khí hậu nóng ẩm là thời gian thích hợp cho bệnh này phát triển. Gà 2 tháng tuổi trở lên sẽ là lứa tuổi dễ nhiễm bệnh này nhất. Bệnh tụ huyết trùng gồm 3 giai đoạn với từng triệu chứng khác nhau.
Thể quá cấp tính.
Ở thể quá cấp tính này bệnh thường phát triển rất nhanh. Do đó, sẽ khiến nhiều người nuôi không thể phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như phòng ngừa. Bệnh chỉ có thể kéo dài 1 đến 2 tiếng là gà có thể chết do bệnh này rồi. Khi gà bị bệnh tụ huyết trùng ở thể quá cấp tính sẽ có một số triệu chứng như:
- Gà luôn ủ rũ và chết đột ngột.
- Da của gà dần chuyển sang màu tím.
- Gà chảy nước mũi và có thể lẫn cả máu.
- Tai và tích của gà bị sưng, phồng lên rõ rệt.

Thể cấp tính
Với thể cấp tính, gà sẽ có một số biểu hiện riêng biệt như:
- Gà bị sốt cao, đôi khi có thể lên đến 42 hoặc 43 độ C.
- Gà bỏ ăn và lông thường xù lên. Gà còn đi lại khá chậm chạp so với bình thường.
- Mũi và miệng chảy dãi và có thể lẫn với máu.
- Phân của gà lỏng, có màu nâu.
- Gà bị khó thở thường xuyên.
- Do bị tụ máu nên mào và yếm của gà bị bầm tím.
- Đối với những con gà bị nặng, chúng có thể chết do bị ngạt thở.
Thể mãn tính
Gà bị bệnh tụ huyết trùng ở thể mãn tính sẽ có triệu chứng như sau:
- Yếm của gà sưng và phù lên rất nhiều.
- Với những con bị nặng, yếm sẽ bị hoại tử và cứng lại.
- Gà yếu ớt và gầy rõ rệt.
- Phân của gà lỏng, có màu vàng.
- Mãng não của gà cũng có thể bị hoại tử.
Bệnh tích và đặc điểm cơ thể khi gà phát bệnh
Dưới đây là một số bệnh tích cũng như là đặc điểm của cơ thể gà khi bị bệnh tụ huyết trùng:
- Lúc gà chết, xác béo và cơ thể có màu tím tái.
- Thịt của gà bị nhão và dưới da có nhiều dịch nhớt.
- Tim của gà bị sưng lên, khoang tim chứa dịch nhầy.
- Phổi bị tụ máu, viêm và có màu nâu thẫm. Phế quản có chứa nhiều dịch nhầy.
- Gan của gà bị sưng, trên bề mặt gan có nhiều nốt hoại tử màu trắng hoặc màu vàng.
- Niêm mạc ruột bị chảy máu, tụ máu hoặc có nhiều trường hợp bị viêm.
- Các khớp xương của gà sưng to và có nhiều mủ.

Cách điều trị bệnh tụ huyết trùng hiệu quả
Bước 1: Vệ sinh chuồng trại
Khi dịch bệnh bùng phát, người nuôi cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Tiêu độc, sát khuẩn thường xuyên và phun sát trùng trực tiếp vào các khu vực chăn nuôi.
Với những chú gà chết, xử lý và tiêu hủy kịp thời. Cách ly những chú gà khỏe mạnh để dễ dàng chăm sóc và điều trị cũng như là tránh lây lan dịch bệnh. Chăm sóc những chú gà khỏe bằng thức ăn, nước uống và bổ sung thêm vitamin, các chất điện giải mà gà cần.
Bước 2: Dùng thuốc kháng sinh
Có thể dùng một trong những thuốc kháng sinh sau đây để điều trị tụ huyết trùng trên gà: Amoxicillin, Enrofloxacin, Oxytetracycline, Streptomycin, Neomycin, Genta-tylo, Ampicillin… dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bước 3: Dùng vitamin, giải độc gan thận, men tiêu hóa
Bổ sung cho gà các loại vitamin tổng hợp cho gà để tăng sức đề kháng cho gà. Bổ sung vitamin K để chống xuất huyết và cầm máu hiệu quả cho gà.
Tiếp đó, cũng phải bổ sung thêm các thuốc giải độc gan thận để tăng chức năng gan thận cho gà. Nên chọn những loại thuốc có thành phần chính là sorbitol và có nhiều acid amin.
Bên cạnh đó cung cấp thêm các chất điện giải có thành phần là NaCl, KCl, NaHCO3 để bù nước và khoáng cho gà vào những khi gà bị mất nước do tiêu chảy.
Tham khảo cách phòng và điều trị các bệnh khác ở gà:
Nguyên nhân và cách phòng bệnh Newcastle ở gà
Cách phòng và điều trị bệnh ORT ở gà hiệu quả
Các cách chữa bệnh hen ở gà chọi
3 Cách phòng bệnh tụ huyết trùng ở gà
Để phòng bệnh tụ huyết trùng ở gà, Trại gà chọi chúng tôi khuyên mọi người nên tập trung vào 3 yếu tố dưới đây để mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc phòng bệnh.
Sử dụng Vaccine
Điều đầu tiên, cũng như là cần thiết nhất. Đó là chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vacxin định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bác sĩ thú y. Các loại vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng trên gà do Việt Nam sản xuất có tính tương đồng kháng nguyên khá cao và hiệu quả bảo hộ cũng rất tốt. Do đó, người nuôi không cần phải mua những loại nhập từ nước ngoài về đâu. Nên tiêm vacxin ở dưới da hoặc bắp thịt của gà.
Sử dụng thuốc bổ
Sử dụng thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho gà, để gà được khỏe mạnh hơn. Bổ sung các loại vitamin, men tiêu hóa cho gà. Hoặc có thể trộn kháng sinh liều phòng bệnh vào thức ăn cho gà hay pha nước cho gà uống.
Giữ gìn vệ sinh chuồng trại
Vi khuẩn gây bệnh tụ huyết trùng ở gà thường phát triển trong môi trường ẩm thấp do đó nếu ở nơi sạch sẽ, có nhiều ánh sáng và không khí khô thì chúng sẽ bị tiêu diệt dễ dàng. Đó cũng là một cách hiệu quả mà chúng ta nên áp dụng cho việc phòng bệnh này. Hãy giữ chuồng trại được sạch sẽ, thông thoáng, cung cấp thức ăn và nước uống đầy đủ cho gà. Không để chuồng nuôi có nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, tránh trường hợp gà bị stress.

Thực hiện đúng và chặt chẽ những nội quy an toàn và vệ sinh trong chăn nuôi, con người và dụng cụ khi tiếp xúc với gà phải đảm bảo đã được sát trùng đúng cách. Một lưu ý khá quan trọng nữa là khi mua gà giống về, người nuôi cần cách ly gà 30 ngày trước khi cho chúng nhập đàn. Cách ly để theo dõi và nếu có bệnh thì cũng sẽ phát hiện được kịp thời và không lây lan cho đàn gà hiện tại của mình. Phát hiện bệnh càng sớm thì việc điều trị càng có kết quả tốt.
Bệnh tụ huyết trùng ở gà có lây sang người hay không?
Theo một số nghiên cứu thì bệnh tụ huyết trùng ở gà không lây sang người. Tuy nhiên, con người cũng có thể là tác nhân lây truyền bệnh này nếu như không giữ an toàn sinh học khi chăm sóc đàn gà đang mang bệnh.

Do đó, để tránh xảy ra mất mát và hậu quả không đáng có, người nuôi nên phòng bệnh hiệu quả bằng cách tiêm vacxin cho gà đầy đủ, thực hiện an toàn sinh học, giữ vệ sinh chăn nuôi. Bên cạnh đó là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đàn gà. Trên đây là tất cả thông tin về bệnh tụ huyết trùng ở gà mà Trại gà chọi muốn gửi đến mọi người. Nếu mọi người muốn tìm hiểu thêm về nhiều bệnh khác ở gà và cách phòng, điều trị bệnh thì vào “Bệnh gà chọi” để biết nhé!